Thuốc có 2 cách tác dụng cơ bản sau: Tác dụng tại chỗ và toàn thân, Tác dụng chính và tác dụng không mong muốn
Tác dụng tại chỗ và toàn thân
Tác dụng tại chỗ là tác dụng có tính cục bộ và khư trú ngay tại nơi thuốc tiếp xúc (một bộ phận hay một cơ quan nào đó), khi thuốc chưa được hấp thu vào máu như:
- Tác dụng chống nấm của cồn A.S.A khi bôi ngoài da
- Tác dụng sát khuẩn của cồn 700C khi xoa trên da
- Tác dụng bao niêm mạc ống tiêu hoá của hydroxyd nhôm khi uống…
Tác dụng toàn thân là tác dụng xảy ra sau khi thuốc đã được hấp thu vào máu qua đường hô hấp, tiêu hoá hay đường tiêm như: thuốc mê, thuốc trợ tim, thuốc lợi niệu…
Tác dụng chính và tác dụng không mong muốn
Tác dụng chính là tác dụng được dùng để điều trị bệnh và phòng bệnh.
Tác dụng không mong muốn là những tác dụng không dùng cho mục đích điều trị. Ngược lại, các tác dụng này còn có thể gây khó chịu cho người dùng (chóng mặt, buồn nôn) hoặc nặng có thể gây phản ứng độc hại (ngay ở liều điều trị) cho người dùng thuốc, thí dụ:
- Aspirin có tác dụng hạ sốt, giảm đau và chống viêm (tác dụng chính), nhưng lại gây xuất huyết tiêu hoá (tác dụng không mong muốn).
- Nifedipin là thuốc điều trị tăng huyết áp (tác dụng chính), nhưng có thể gây nhức đầu, nhịp tim nhanh (tác dụng không mong muốn), tăng enzym gan và tụt huyết áp (tác dụng độc hại).
Trong điều trị, thường phối hợp thuốc để tăng tác dụng chính và giảm tác dụng không mong muốn, thí dụ:
- Phối hợp vitamin B6 với INH (isoniazid) để phòng bệnh thần kinh ngoại biên (dị cảm, cóng, mệt mỏi chi dưới và bàn chân) do isoniazid gây ra.
- Phối hợp hydroxyd nhôm với hydroxyd magnesi trong điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng. Cả hai thuốc đều có tác dụng bao niêm mạc, chống toan (tác dụng chính), song hydroxyd magnesi lại làm giảm tác dụng gây táo bón của hydroxyd nhôm.
Việc thay đổi đường dùng thuốc cũng có thể khắc phục tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra như dùng đường đặt thuốc vào hậu môn là để tránh tác dụng khó uống và gây buồn nôn của một số thuốc.