Chức phận sinh lý của hệ thần kinh thực vật va Chất trung gian hoá học và sinap

Chức phận sinh lý của hệ thần kinh thực vật, khái niệm chất trung gian hoá học và các chất trung gian hóa học của hệ thần kinh thực vật…

Chức phận sinh lý của hệ thần kinh thực vật

Chức phận sinh lý của hai hệ giao cảm và phó giao cảm trên các cơ quan nói chung là đối kháng nhau trên các receptor, cụ thể:

Trên mắt: kích thích giao cảm làm giãn đồng tử, còn kích thích phó giao cảm làm co đồng tử. Trên tim: kích thích giao cảm làm tăng tần số, tăng biên độ co bóp, còn kích thích phó giao cảm làm giảm tần số và giảm biên độ co bóp… ( đọc lại sinh lý học )

Chất trung gian hoá học và sinap

Những chất hoá học tiết ra ở đầu mút của các dây thần kinh (trung ương và thần kinh thực vật) khi bị kích thích, làm trung gian cho sự dẫn truyền giữa các dây tiền hạch với hậu hạch hoặc giữa dây thần kinh với cơ quan thu nhận, gọi là chất trung gian hoá học (TGHH).

Tín hiệu thần kinh được truyền từ nơron này sang nơron khác qua các “khớp ” nơron, gọi là sinap:

  • Tận cùng trước sinap là các cúc tận cùng trong có các bọc nhỏ chứa chất trung gian hoá học
  • Tận cùng sau là màng của thân nơron sau
  • Giữa cúc tận cùng và thân của nơron sau là khe sinap rộng 200 – 300 A0 (angstron)

Các chất trung gian hoá học ở hệ thần kinh thực vật gồm:

  • + Chất trung gian hoá học ở hạch giao cảm, hạch phó giao cảm và hậu hạch phó giao cảm là acetylcholin (Ach).
  • + Chất trung gian hoá học ở hậu hạch giao cảm là catecholamin (gồm noradrenalin và adrenalin).
  • + Chất trung gian hoá học được tổng hợp trong tế bào thần kinh, lưu giữ ở dạng phức hợp trong các hạt đặc biệt ở ngọn thần kinh. Dưới tác dụng của xung tác thần kinh, từ các hạt dự trữ chất trung gian hoá học được giải phóng ra dạng tự do, có hoạt tính gắn vào các receptor. Sau tác dụng chúng được thu hồi lại vào chính nơi giải phóng hoặc bị phá huỷ nhanh bởi các enzym đặc hiệu:
    • Acetycholin bị cholinesterase thuỷ phân
    • Noradrenalin và adrenalin bị oxy hoá và khử amin bởi COMT (cathechol – oxy – methyl – transferase) và MAO (mono – amin – oxydase).

Các trường hợp đặc biệt:

  • Dây giao cảm tới tuỷ thượng thận không đi qua hạch. Ở tuỷ thượng thận dây này tiết ra acetylcholin để kích thích tuyến tiết ra adrenalin. Vì vậy, tuỷ thượng thận được coi như một hạch giao cảm lớn.
  • Các dây hậu hạch giao cảm chi phối tuyến mồ hôi lẽ ra phải tiết ra adrenalin, nhưng lại tiết ra acetylcholin.
  • Các dây thần kinh vận động đi đến các cơ xương (thuộc thần kinh trung ương) cũng tiết ra acetylcholin.
  • Trong não, xung tác giữa các nơron cũng nhờ acetylcholin. Ngoài ra còn có những chất trung gian hoá học khác như serotonin, catecholamin, acid gama – amino – butyric (GABA)…