Cơ chế tác dụng của thuốc diễn ra như thế nào?

Tác dụng của phần lớn thuốc là kết quả của sự tương tác giữa thuốc với receptor hoặc do thuốc có tác dụng do tính chất lý hoá không đặc hiệu. Các thuốc có cấu trúc tương tự như những chất sinh hoá bình thường, có thể thâm nhập vào các thành phần cấu trúc của tế bào…

Receptor

Receptor là một thành phần đại phân tử, tồn tại với một lượng giới hạn trong một số tế bào đích, có thể nhận biết một cách đặc hiệu chỉ một phân tử “thông tin” tự nhiên (hormon, chất dẫn truyền thần kinh) hoặc một tác nhân ngoại lai (chất hoá học, thuốc) để gây ra một tác dụng sinh học đặc hiệu là kết quả của tác dụng tương hỗ đó.

Bản chất của Receptor là protein

Thuốc gắn vào receptor theo các kiểu liên kết hoá học sau:

  • Liên kết hydro
  • Liên kết ion
  • Liên kết Vander – waals
  • Liên kết cộng hoá trị

Có 2 loại chất tạo phức hợp với receptor:

  • Chất chủ vận (agonist)
  • Chất đối kháng (antagonist)
Thuốc gắn vào Receptor
Thuốc gắn vào Receptor

Cơ chế tác dụng của thuốc

Tác dụng của thuốc thông qua receptor

Thuốc hoặc các chất nội sinh liên kết với receptor (gọi chung là chất gắn) để cho tác dụng.

  • Nếu chất gắn là những chất nội sinh, receptor được coi là receptor sinh lý và kết quả của tương tác là điều hoà chức năng sinh lý của cơ thể.
  • Nếu tác dụng của thuốc trên receptor giống với chất nội sinh gọi là chất chủ vận (pilocarpin trên receptor M – cholinergic).
  • Nếu thuốc gắn vào receptor không gây tác dụng giống chất nội sinh mà là ngăn cản chất nội sinh gắn vào receptor được gọi là chất đối kháng (D – tubocurarin tranh chấp với acetylcholin tại recetor N của cơ vân).

Một số thuốc thông qua việc giải phóng các chất nội sinh trong cơ thể để gây tác dụng: amphetamin làm giải phóng adrenalin ở thần kinh trung ương, nitrit làm giải phóng NO gây giãn mạch…

Ngoài receptor tế bào, các receptor của thuốc còn là:

  • Các enzym chuyển hoá hoặc điều hoà quá trình sinh hoá:
    • Ức chế enzym : thuốc chống viêm phi steroid ức chế cyclooxygenase làm giảm tổng hợp các prostaglandin (E1, E2, F2, F1) nên có tác dụng hạ sốt, giảm đau…
    • Hoạt hoá enzym : catecholamin hoạt hoá adenylcyclase. Các yếu tố vi lượng như Mg++, Cu++, Zn++ hoạt hoá nhiều enzym protein kinase, phosphokinase tác dụng lên nhiều quá trình chuyển hoá của tế bào.
    • Các ion: thuốc gắn vào các kênh ion, làm thay đổi sự vận chuyển ion qua màng tế bào. Thí dụ: novocain cản trở Na+ nhập vào tế bào thần kinh cho tác dụng gây tê.

Tác dụng của thuốc không qua receptor

Thuốc có tác dụng do tính chất lý hoá không đặc hiệu

  • Muối MgSO4 khó hấp thu qua niêm mạc tiêu hóa, khi uống sẽ “gọi nước” vào và giữ nước trong lòng ruột nên có tác dụng tẩy. Khi tiêm vào tĩnh mạch sẽ kéo nước từ gian bào vào máu, dùng điều trị phù não.
  • Manitol dùng liều cao, làm tăng áp lực thẩm thấu trong huyết tương. Khi lọc qua cầu thận, không bị tái hấp thu ở ống thận, làm tăng áp lực thẩm thấu trong ống thận, gây lợi niệu.
  • Những chất tạo chelat, khi vào cơ thể tạo phức mới không thấm qua màng sinh học và dễ thải trừ. Các chất tạo chelat thường dùng như:
    • EDTA (ethylen diamin tetraacetic acid), muối Na và Ca của acid này để điều trị ngộ độc các ion hoá trị 2: sắt, chì, mangan, đồng hay tăng thải Ca++ trong ngộ độc digitalis
    • BAL (dimercaprol) được dùng để điều trị ngộ độc kim loại nặng như As, Pb, Hg.
  • Than hoạt hấp phụ được các hơi, các độc tố nên dùng chữa đầy hơi, ngộ độc…
  • Các base yếu làm trung hoà dịch vị acid dùng để chữa loét dạ dày như hydroxyd nhôm, magnesi oxyd.

Các thuốc có cấu trúc tương tự như những chất sinh hoá bình thường, có thể thâm nhập vào các thành phần cấu trúc của tế bào, làm thay đổi chức phận của tế bào, như:

  • Thuốc giống purin, giống pyrimidin, nhập vào acid nucleic ( chống ung thư, chống virus ).
  • Sulfamid giống PABA, làm vi khuẩn dùng nhầm, không phát triển được.
  • Kháng sinh ức chế quá trình tạo vách, ức chế tổng hợp protein, ức chế tổng hợp acid nhân của vi khuẩn làm vi khuẩn không phát triển được hoặc tiêu diệt vi khuẩn.