Thừa cân/béo phì – nhất là thừa cân/béo phì ở trẻ em và trẻ vị thành niên đang ngày càng là vấn đề đáng quan tâm ở các nước đang phát triển. Tình trạng độ thị hóa cùng với sự phát triển về kinh tế đang dần dần đưa đến lối sống ít vận động và các thói quen trong ăn uống với xu hướng tăng nhiều mỡ và đường. Trong số nhiều yếu tố nguy cơ đã được thừa nhận góp phần vào việc gia tăng trọng lượng cơ thể ở trẻ vị thành niên, giảm hoạt động thể lực đóng vai trò khá quan trọng.
Nhiều nhà nghiên cứu đã từng nhắc đến lợi ích trước mắt và lâu dài của hoạt động thể lực. Những hiểu biết về ảnh hưởng của hoạt động thể lực lên sự phát triển cân nặng, tầm vóc của trẻ em và trẻ vị thành niên là hết sức cần thiết, tuy nhiên, những nghiên cứu trước nay về hoạt động thể lực ở trẻ vị thành niên hầu hết chỉ thực hiện tại các nước phương Tây, chỉ có vài nghiên cứu ở vùng châu Á. Tại Việt Nam, việc kém hoạt động thể lực đã được chứng minh có liên quan đến tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em mẫu giáo và cả học sinh cấp II. Tuy nhiên những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở thiết kế nghiên cứu cắt ngang và đặc biệt, các nghiên cứu về ảnh hưởng của hoạt động thể lực lên sự thay đổi chỉ số khối cơ thể (BMI) vẫn chưa được thực hiện. Bài báo này nhằm đánh giá xu hướng hoạt động của trẻ vị thành niên TPHCM trong thời gian bốn năm (2005-2008) và khảo sát mối liên quan giữa hoạt động thể lực với sự thay đổi BMI.
Nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu được thực hiện trên học sinh cấp II TPHCM từ năm 2005 đến năm 2008. Cở mẫu được tính dựa trên giả thiết có khoảng 25% học sinh có hoạt động thể lực thiếu(19) và sự thay đổi BMI giữa hai nhóm hoạt động thể lực đủ và thiếu là 0,5, độ lệch chuẩn là 1,5, mức ý nghĩa là 95% và độ mạnh của phép kiểm là 80%. Cở mẫu cần thiết cho nghiên cứu này là 680 học sinh với ước tính có khoảng 15% học sinh bị mất theo dõi sau 4 năm. Các học sinh tham gia nghiên cứu thuộc các lớp được chọn một cách ngẫu nhiên từ 18 trường cấp II các quận nội thành TPHCM (mỗi trường một lớp). Học sinh được đánh giá mỗi năm một lần trong vòng 3 năm. Số liệu thu thập bao gồm chiều cao, cân nặng, mức độ dậy thì (sử dụng bảng câu hỏi tự đánh giá qua hình vẽ của Tanner(16)). Chiều cao học sinh được đo bằng thước đo chiều cao đứng (Microtoise) với độ chính xác đến 0,1 cm. Cân nặng học sinh được đo bằng cân điện tử (Tanita) với độ chính xác đến 0,1 kg. Hoạt động thể lực được đo bằng máy gia tốc (accelerometer). Học sinh được yêu cầu đeo máy trong vòng 7 ngày (trừ lúc tắm, đi bơi và ngủ) để tính thời gian dành cho hoạt động tĩnh, hoạt động thể lực nhẹ, vừa và nặng. Hoạt động tĩnh được khai thác bằng bảng câu hỏi phỏng vấn. Chiều cao, cân nặng của cha mẹ và tình trạng kinh tế gia đình (sự sở hữu của 14 loại vật dụng trong nhà) được thu thập qua bảng câu hỏi tự trả lời gởi đến phụ huynh. Tất cả đối tượng nghiên cứu và phụ huynh đều được giải thích rõ ràng mục đích và nội dung nghiên cứu, và chỉ tham gia sau khi đã ký tên vào bảng đồng ý.
Số liệu được nhập, làm sạch và xử lý bằng phần mềm Stata 10.0. Chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính dựa vào cân nặng và chiều cao. Với số liệu ghi nhận từ máy đo gia tốc, sau khi được tải về máy tính, dữ liệu được kiểm tra để loại bỏ những trường hợp học sinh đeo máy ít hơn 10 giờ mỗi ngày và ít hơn 4 ngày/tuần. Dữ liệu trong máy đo gia tốc được biểu diễn ở dạng “số lần đếm được” (count) trong 1 phút và được quy đổi ra MET dựa vào công thức của Freedson(7). Kinh tế gia đình được đánh giá dựa vào chỉ số tài sản (Wealth Index) – được tính dựa vào phương pháp phân tích thành phần chủ yếu (principal component analysis) và có cân nhắc đến tỷ trọng của từng thành phần khi tính toán(6).
Tất cả phân tích được thực hiện chung cho toàn bộ mẫu khảo sát và riêng cho từng giới. Chúng tôi so sánh các đặc điểm ở giai đoạn đầu (baseline) của những đối tượng còn lại trong nghiên cứu và những đối tượng ra khỏi cuộc nghiên cứu để đánh giá những sai lệch có thể có trong phân tích. Do biến số thời gian dành cho hoạt động thể lực (vừa và nặng) và hoạt động tĩnh phân phối không bình thường nên được chuyển sang dạng log để đưa về phân phối bình thường. Sự khác biệt về hoạt động thể lực (log của trung bình thời gian hoạt động vừa và nặng) giữa hai giới được so sánh bằng phép kiểm t. Chúng tôi sử dụng mô hình hồi qui tuyến tính với phương trình ước tính tổng quát (generalised estimation equations – GEEs) để khảo sát mối liên quan dọc (longitudinal relationship) giữa thay đổi BMI (khác biệt giữa BMI năm cuối và BMI năm đầu) và hoạt động thể lực trong nhiều năm.
Có 617 học sinh hoàn thành nghiên cứu trên tổng số 693 học sinh được mời tham gia. Tỷ lệ mất đối tượng theo dõi là 10,97%. Trong nghiên cứu này, tỉ lệ học sinh nam và nữ xấp xỉ bằng nhau. Trung bình tuổi của các đối tượng nghiên cứu là 13,4 (± 0.8) năm. Sử dụng số liệu của điều tra ban đầu (năm 2005), chúng tôi so sánh đặc điểm của những trẻ còn lại và không còn lại trong nghiên cứu đến năm 2008. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về BMI (theo tuổi và giới), lượng năng lượng hấp thu, thời gian dành cho hoạt động vừa và nặng và thời gian xem TV, chơi game hàng ngày giữa 2 nhóm này (số liệu không trình bày ở đây). Trong vòng ba năm, trung bình BMI của các đối tượng nghiên cứu tăng một cách có ý nghĩa từ 19,1 lên đến 20,5 (p<0.001) và BMI của trẻ nam luôn cao hơn trẻ nữ (p<0.001).
Xét về hoạt động thể lực, thời gian dành cho hoạt động vừa và nặng của học sinh giảm dần từ năm 2005 đến 2008, trong đó, trung vị thời gian dành cho hoạt động nặng giảm từ 13 phút/ngày (năm thứ nhất) xuống còn 10 phút/ngày (năm thứ ba); trung vị thời gian dành cho hoạt động vừa giảm từ 57 phút/ngày (năm thứ nhất) xuống còn 12 phút/ngày (năm thứ ba) (p<0,01). Xu hướng giảm này xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi. Khi xét riêng hoạt động thể lực của mỗi giới thì trong từng năm, nam luôn có thời gian dành cho hoạt dộng vừa và nặng nhiều hơn nữ (p<0.01) (trong năm thứ nhất, thứ hai và thứ ba trung vị thời gian hoạt động vừa và nặng của nam lần lượt là 85 phút/ngày, 64 phút/ngày và 17 phút/ngày trong khi nữ là 47 phút/ngày, 35 phút/ngày và 7 phút/ngày) (Hình 1).