Huyết áp là gì?

Chúng ta vẫn thường nói với nhau, tôi có huyết áp bình thường, bạn tôi bị huyết áp thấp và bà tôi bị huyết áp cao… Vậy huyết áp là gì?

Huyết áp là

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch trong quá trình đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lực bơm máu của tim, thể tích máu được bơm, kích thước thành động mạch, độ đàn hồi của thành động mạch,…Nó cũng thay đổi liên tục theo hoạt động của cơ thể, nhiệt độ môi trường sống, thực phẩm ăn uống, cảm xúc, tư thế, và sử dụng thuốc. Các số đo huyết áp thường được tính bằng đơn vị milimet thủy ngân (mmHg).

huyet ap la gi

Ý nghĩa của các chỉ số huyết áp

Trên một máy đo huyết áp thông thường tối thiểu hiển thị 2 chỉ số: huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và còn có thể hiển thị nhịp tim:

  • Huyết áp tâm thu: là huyết áp tối đa, là trị số huyết áp cao nhất khi tim co bóp. Nó tương ứng với chỉ số ở phía trên màn hình của máy đo huyết áp.
  • Huyết áp tâm trương: là huyết áp tối thiểu, là trị số huyết áp thấp nhất khi tim nghỉ ngơi. Nó tương ứng với chỉ số ở phía dưới màn hình của máy đo huyết áp.

Căn cứ vào 2 chỉ số này để chẩn đoán tình trạng huyết áp:

  • Huyết áp bình thường: Với một người trưởng thành không bị bệnh, chỉ số huyết áp tâm thu dao động từ 90 đến 120mmHg và huyết áp tâm trương từ 60 đến 80mmHg. Ở người trẻ tuổi có thể cao hơn tới 145/95mmHg.
  • Huyết áp thấp: Nếu người có chỉ số huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90mmHg hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg thì được xếp vào nhóm huyết áp thấp,
  • Huyết áp cao: nếu người có chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90mmHg thì được xếp vào nhóm huyết áp cao.
  • Tiền cao huyết áp: Nhóm người có huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 120 – 139mmHg và huyết áp tâm trương nằm trong khoảng 80 – 89 mmHg.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA), huyết áp an toàn cho mọi người là ở mức thấp hơn 120/80 mmHg.

Chúng ta đo huyết áp thế nào cho đúng?

Để kết luận chính xác về tình trạng bệnh, không chỉ dựa vào một vài lần đo mà đã kết luận mà phải tiến hành đo nhiều lần trong ngày, đo thường xuyên trong nhiều ngày bởi lẽ huyết áp có thể thay đổi do cảm xúc, uống rượu bia, tập thể dục hoặc lao động nặng nhọc,… Có như thế ý nghĩa của các chỉ số đo huyết áp mới thể hiện chính xác tình trạng của bệnh. Việc đo huyết áp phải tiến hành trên cả 2 tay.

Trước khi đo phải nghỉ ngơi tối thiểu 5 phút, không sử dụng rượu bia và các loại chất kich thích. Nên đo ở những nơi yên tĩnh, có nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh. Không cử động người hoặc nói chuyện trong khi đo.

Khi đo huyết áp, phải ngồi trên ghế vững chắc và đặt cẳng tay lên bàn. Độ cao của cẳng tay là ngang với độ cao của tim. Vị trí quấn túi hơi có thể là ở bắp tay hoặc cổ tay. Nếu đo ở bắp tay thì túi hơi sẽ được đặt sao cho mép dưới của nó cách khuỷu tay khoảng 2,5cm.

Với các máy dùng ống nghe và bóng bơm cao su, sau khi quấn túi hơi, bác sĩ sẽ tiến hành đóng van của bóng bơm cao su, bóp bóng nhanh và mạnh để bơm hơi vào túi hơi. Khi thấy áp lực trong kim đồng hồ hay mức thủy ngân vượt quá mức huyết áp tâm thu bình thường khoảng 30mmHg thì dừng lại và mở van từ từ. Sau đó bác sĩ sẽ lắng nghe và ghi lại giá trị trên kim đồng hồ hay cột thủy ngân. Tiếng mạch đập đầu tiên nghe thấy tương ứng với trị số huyết áp tâm thu, còn thời điểm tương ứng với khi bắt đầu không nghe thấy tiếng mạch đập nữa là tương ứng với trị số huyết áp tâm trương.

Chú ý việc đặt ống nghe cũng phải đúng vị trí thì mới đo huyết áp chính xác. Tuyệt đối không được chạm ống nghe vào túi hơi hay bất cứ thứ gì sẽ tạo tiếng động ảnh hưởng đến việc đo huyết áp.

Còn đối với các máy hiện đại sử dụng ở các gia đình hiện nay thì chỉ việc quấn túi hơi đúng vị trí rồi bấm nút thì toàn bộ các công việc đo đạc đều được máy tự động ghi nhận và cho ra kết quả trên màn hình.