Những trạng thái tác dụng đặc biệt của thuốc

Phản ứng có hại của thuốc

  • Định nghĩa (theo WHO) : phản ứng có hại của thuốc là một phản ứng độc hại, không được định trước và xuất hiện ở liều lượng thường dùng cho người.
  • ADR (adverse drug reaction) là gọi chung cho mọi triệu chứng bất thường xảy ra khi dùng thuốc đúng liều.

Phản ứng dị ứng

  • Dị ứng cũng là một ADR.
  • Do thuốc là một protein lạ (insulin, thyroxin lấy từ súc vật), là đa peptid, polysaccharid có phân tử lượng cao… mang tính kháng nguyên.
  • Tuy nhiên, một số thuốc có phân tử lượng thấp hoặc chất chuyển hoá của thuốc cũng có thể gây dị ứng, bởi vì chúng mang tính bán kháng nguyên (hapten). Khi vào cơ thể hapten gắn với một protein nội sinh và tạo thành phức hợp mang tính kháng nguyên.
  • Thuốc có nhóm NH2 ở vị trí para như benzocain, procain, sulfonamid…là những thuốc dễ gây mẫn cảm, vì nhóm NH2 dễ bị oxy hoá, tạo ra sản phẩm dễ gắn với nhóm SH của protein nội sinh để thành kháng nguyên.
  • Phản ứng miễn dịch dị ứng được chia 4 týp dựa trên cơ chế miễn dịch (đọc lại sinh lý bệnh).

Tai biến thuốc do rối loạn di truyền

Nguyên nhân : thường do thiếu enzym bẩm sinh, mang tính di truyền trong gia đình hay chủng tộc:

  • Người thiếu men G6PD (glucose – 6 – phosphat dehydrogenase) hoặc glutathion reductase dễ bị thiếu máu tan máu khi dùng primaquin, quinin, sulfamid…
  • Người thiếu enzym methemoglobin reductase, khi dùng thuốc sốt rét (pamaquin, primaquin), thuốc kháng sinh (cloramphenicol, sulfon, nitrofurantoin), thuốc hạ sốt (phenazol, paracetamol) rất dễ bị methemoglobin.
  • Người thiếu acetyl transferase sẽ chậm acetyl hoá một số thuốc, nên dễ bị ngộ độc các thuốc này (isoniazid, hydralazin)

Hiện tượng đặc ứng là độ nhạy cảm cá nhân bẩm sinh với thuốc, chính là sự thiếu hụt di truyền một enzym nào đó.

Quen thuốc

Quen thuốc là trạng thái cơ thể chịu được những liều lẽ ra đã gây độc cho người khác. Liều điều trị tạo ra tác dụng rõ, thì ở người quen thuốc đáp ứng yếu hơn hẳn so với người bình thường.

Quen thuốc có thể xảy ra tự nhiên ngay từ lần đầu dùng thuốc. Thực tế hay gặp quen thuốc do mắc phải sau một thời gian dùng thuốc và đòi hỏi phải tăng dần liều.

Quen thuốc nhanh

Dùng những liều ephedrin bằng nhau, tiêm tĩnh mạch cách nhau 15 phút, sau 4 – 6 lần, tác dụng tăng huyết áp giảm dần rồi mất hẳn. Một số thuốc khác cũng có hiện tượng quen thuốc nhanh như: amphetamin, adrenalin, isoprenalin…

Nguyên nhân

  • Thuốc làm giải phóng chất nội sinh của cơ thể (tác dụng gián tiếp), làm cạn kiệt chất trung gian hoá học. Ephedrin, amphetamin làm giải phóng adrenalin dự trữ của hệ giao cảm.
  • Tạo ra chất chuyển hoá có tác dụng đối kháng với chất mẹ: isoprenalin (cường ), qua chuyển hoá tạo thành 3- orthomethyl isoprenalin có tác dụng huỷ.
  • Kích thích gần nhau quá làm receptor “mệt mỏi”.

Quen thuốc chậm

Sau một thời gian dùng thuốc liên tục, tác dụng của thuốc giảm dần, đòi hỏi phải tăng liều hoặc đổi thuốc khác.

Nguyên nhân

  • Do gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc, làm những liều thuốc sau bị chuyển hoá nhanh, mất tác dụng nhanh. Thí dụ : barbiturat, diazepam, tolbutamid, rượu ethylic…, là thuốc gây cảm ứng enzym chuyển hoá của chính nó gây hiện tượng quen thuốc.
  • Do giảm số lượng receptor cảm ứng với thuốc ở màng tế bào như dùng các thuốc cường giao cảm, phó giao cảm kéo dài.
  • Do cơ thể phản ứng bằng cơ chế ngược: dùng thuốc lợi niệu thải Na+ kéo dài, cơ thể mất nhiều Na+ sẽ tăng tiết aldosteron để giữ Na+, làm giảm tác dụng lợi niệu của thuốc.

Để tránh hiện tượng quen thuốc, trong lâm sàng thường dùng thuốc ngắt quãng hoặc thay đổi các nhóm thuốc.