Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc?

Trong tác dụng của thuốc thì có hai yếu tố ảnh hưởng đến là: các yếu tố thuộc về thuốc và các yếu tố thuộc về người dùng thuốc.

Tính lý hoá (tính tan trong nước – tính tan trong lipid)

Thuốc phải đủ tan trong nước thì mới được hấp thu, phân phối, di chuyển trong cơ thể để phát huy tác dụng và độc tính, thí dụ: bari clorid tan trong nước cho độc tính cao, còn bari sulfat không tan nên không độc, dùng làm thuốc cản quang.

Các thuốc muốn khuếch tán thụ động qua màng sinh học phải tan được trong lipid.

Liên quan giữa cấu trúc và tác dụng

Thay đổi nhóm có hoạt tính

Thí dụ 1: thuốc chống sốt rét nhóm 4- aminoquinolein (cloroquin), có chuỗi thẳng gắn vào vị trí 4 của nhân quinolein cho tác dụng diệt thể vô tính của plasmodium trong hồng cầu. Nếu chuyển chuỗi thẳng đó sang vị trí 8 của nhân quinolein, được nhóm 8 – amino – quinolein diệt thể giao bào trong máu người bệnh và làm “ung” giao tử ở muỗi Anophen, có tác dụng chống lây lan bệnh.

Thí dụ 2: Thay đổi nhỏ trong công thức của isoniazid (thuốc chống lao), ta được iproniazid, có tác dụng chống trầm cảm (2 thuốc gắn vào 2 receptor hoàn toàn khác nhau).

Như vậy: khi thay đổi cấu trúc của nhóm có hoạt tính thì dược lực học (tác dụng) của thuốc thay đổi.

Thay đổi cấu trúc

Khi cấu trúc chung của thuốc thay đổi, sẽ làm thay đổi tính chất lý hoá, sự hoà tan của thuốc trong nước hoặc trong lipid, sự gắn thuốc vào protein, độ ion hoá và tính vững bền của thuốc.

Thí dụ: tolbutamid bị microsom gan oxy hoá gốc – CH3 ở vị trí para, có t/2 là 4 – 8 giờ. Thay gốc – CH3 bằng Cl được clopropamid rất khó bị chuyển hoá , t/2 của thuốc kéo dài 35 giờ, nên gây hạ đường huyết mạnh và bền hơn tolbutamid

tolbutamid bị microsom gan oxy hoá

Dạng thuốc

Dạng thuốc là hình thức trình bày đặc biệt của dược chất, để đưa dược chất vào cơ thể. Dạng thuốc khác nhau, có ảnh hưởng khác nhau tới hiệu quả điều trị.

Độ tán nhỏ: thuốc càng mịn, diện tích tiếp xúc càng tăng, hấp thu thuốc càng nhanh. Thí dụ: tác dụng của griseofulvin sẽ tăng gấp 2 – 4 lần, nếu kích thước hạt dưới 5 micromet.

Tá dược: tá dược không phải chỉ là chất “cho thêm” vào để bao gói thuốc, mà còn ảnh hưởng đến dược động học của thuốc.

Thí dụ: khi thay calci sulfat (thạch cao – tá dược cổ điển) bằng lactose để dập viên diphenylhydantoin, đã làm 57 người bệnh động kinh, bị ngộ độc, giống như khi uống quá liều thuốc (Bệnh viện Brisban, úc, 1968). Nguyên nhân là do calci sulfat chỉ đóng vai trò một khung mang, không tiêu và xốp, giúp dược chất giải phóng từ từ trong ống tiêu hoá, còn lactose lại làm cho dược chất hoà tan nhanh, hấp thu ồ ạt trong thời gian ngắn.

Dung môi: mỗi thuốc chỉ vững bền ở một vùng pH nhất định. Khi thay đổi pH của dung môi sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Thí dụ: Penicilin G vững bền ở PH từ 6 đến 6,5 và mất tác dụng nhanh ở pH < 5 và pH > 7,5.