Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin trong máu xuống thấp hơn ngưỡng quy định do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu do bất kể lý do gì.
Thiếu máu dinh dưỡng mà chủ yếu là thiếu sắt do sắt cần thiết cho quá trình tạo hemoglobin. Cũng có những bệnh thiếu máu dinh dưỡng ít phổ biến hơn hơn như thiếu vitamin B12, B2 thiếu folat…
Dịch tế học thiếu máu dinh dưỡng
Thiếu máu dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng tại một số vùng ở miền Bắc năm 1995 cho thấy tỷ lệ thiếu máu trung bình ở phụ nữ có thai nông thôn là 49%, ở thành thị là 41%. Năm 1995 cuộc điều tra toàn quốc của Viện Dinh dưỡng với sự hỗ trợ của Tổ chức Unicef và trung tâm giám sát bệnh Hoa Kỳ đã cho thấy: tỷ lệ thiếu máu trẻ em 6 – 23,9 tháng là 60,5%, ở phụ nữ không có thai là 41,2%, phụ nữ có thai là 52,3%. Tỷ lệ thiếu máu rất cao tại các vùng Tây Nguyên, ven biển nam trung bộ, bắc miền trung, đông nam bộ.

Ảnh hưởng của thiếu máu dinh dưỡng tới sức khỏe cộng đồng
- Thiếu máu dinh dưỡng làm giảm khả năng lao động, giảm khả năng làm việc kéo dài, làm việc nặng.
- Thiếu máu làm cho người ta luôn có cảm giác mệt mỏi, mất khả năng tập trung để học tập tốt.
- Trẻ thiếu máu sẽ thiếu năng lượng cho việc học tập, vui chơi làm cho trẻ học kém và phát triển tinh thần chậm.
- Thiếu máu làm tăng nguy cơ chết mẹ, trong thời kỳ sinh con, người phụ nữ dễ bị chảy máu nặng.
- Thiếu máu ở mẹ làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ: cân nặng thấp, trẻ yếu, dễ tử vong.
Phát hiện và xác định người bị thiếu máu dinh dưỡng
Ngoài các triệu chứng thiếu máu trên lâm sàng, để chẩn đoán thiếu máu phải dựa vào kết quả xét nghiệm nồng độ Hb.

Nguyên nhân thiếu máu dinh dưỡng
- Thiếu thực phẩm giàu sắt
- Thiếu dinh dưỡng nói chung
- Có mặt nhiều chất ngăn cản hấp thu sắt
- Thiếu các thành phần tăng cường hấp thu sắt
- Ăn bổ sung không đúng và không hợp lý: sớm quá hoặc muộn quá, thực phẩm bổ sung quá nghèo nàn, thiếu các chất dinh dưỡng cần cho tạo máu, đặc biệt là thiếu sắt.
- Tăng nhu cầu đòi hỏi khi có thai, cơ thể trẻ em, vị thành niên.
- Mất máu khi hành kinh, khi đẻ
- Nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng.
- Những đối tượng có nguy cơ cao thiếu máu dinh dưỡng
- Phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai, phụ nữ sau khi sinh
- Trẻ em có cân nặng sơ sinh thấp, hoặc không được nuôi bằng sữa mẹ
- Trẻ em bị suy dinh dưỡng
- Trẻ em ở tuổi vị thành niên, nhất là trẻ em gái.
- Những người già, nhất là người nghèo.
Phòng thiếu máu dinh dưỡng
- Chương trình bổ sung viên sắt
- Đối với phụ nữ có thai: bổ sung 1 viên sắt (60mg sắt nguyên tố + 0,4mg folat) hàng ngày ngay khi phát hiện có thai đến sau đẻ 1 tháng.
- Đối với phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi): cho uống 1 tuần/1viên trong 16 tuần liên tục trong 1 năm.
- Đối với trẻ em < 2 tuổi: hiện nay đang thử nghiệm bổ sung cho trẻ em < 2 tuổi:
- Nếu trẻ được bú sữa mẹ thì chỉ cần bổ sung từ lúc 6 tháng tuổi.
- Trẻ đẻ non hay trẻ có cân nặng sơ sinh thấp phải bổ sung ngay từ khi 2 tháng
tuổi. Dùng sắt dưới dạng sao với liều dung là 1mg sắt nguyên tố/1kg thể trọng/ngày.
- Đối với trẻ em tuổi học đường: chỉ đặt vấn đề bổ sung sắt cho nhóm này ở những vùng có nguy cơ cao. Nếu phải bổ sung thì chỉ dùng thành đợt ngắn khoảng 2-3 tuần với liều 30mg sắt nguyên tố/ngày, vài 3 năm 1 đợt.
- Cải thiện chế độ ăn
- Tuyên truyền cho mọi người biết cách lựa chọn thực phẩm giàu sắt.
- Hạn chế các chất ức chế hấp thu sắt và tăng cường khả năng hấp thu sắt bằng cách tăng hàm lượng vitamin C và protein trong khẩu phần.
- Hướng dẫn chế độ ăn hợp lý, khuyến khích chế biến thức ăn nảy mầm như giá đỗ, dưa chua…
- Tăng cường sắt vào một số loại thực phẩm: nước mắm, bánh…
- Phòng chống các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng.