Thiếu vitamin A là một trong những bệnh dinh dưỡng quan trọng nhất ở trẻ em vì nó gây những tổn thương ở mắt mà hậu quả có thể dẫn đến mù, đồng thời thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tử vong. Tầm quan trọng của thiếu vitamin A và bệnh khô mắt đã được chứng minh bằng các số liệu trong các bệnh viện và điều tra dịch tễ học ở cộng đồng. Nhiều trẻ đã vào viện điều trị khô loét giác mạc do thiếu vitamin A, có trẻ bị mù một hoặc cả hai mắt. Từ năm 1985 đến năm 1995 Viện Dinh dưỡng phối hợp Viện Mắt trung ương tiến hành điều tra trên diện rộng về thiếu vitamin A và bệnh khô mắt cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh nói chung là 0,72% trong đó tỷ lệ mắc bệnh thể hoạt tính có tổn thương giác mạc là 0,07%, sẹo giác mạc là 0,12% cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn đề nghị của OMS để coi là có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Hầu hết các trường hợp khô nhuyễn giác mạc hoạt tính thấy ở nhóm 12 – 36 tháng. Nhóm tuổi từ 25 – 36 tháng mắc bệnh nhiều nhất với các biểu hiện lâm sàng rất nặng.
Nguyên nhân thiếu vitamin A
Các dấu hiệu của thiếu vitamin A xuất hiện khi đứa trẻ không được cung cấp đủ nhu cầu vitamin A, dự trữ vitamin A trong gan đã cạn kiệt. Bệnh sinh của thiếu vitamin A là:
- Đứa trẻ lớn nhanh và nhu cầu vitamin A quá lớn, khẩu phần của trẻ không đủ đáp ứng.
- Trẻ bị mắc nhiều bệnh nhiễm trùng.
- Thiếu vitamin A hay đi kèm theo suy dinh dưỡng protein năng lượng.
- Dấu hiệu của thiếu vitamin A hay xuất hiện ở trẻ bị bệnh nhiễm trùng đang trong thời kỳ hồi phục.
Những đối tượng có nguy cơ cao của thiếu vitamin A
- Thiếu vitamin A thường xảy ra ở vùng khó khăn về nước như miền núi, cao nguyên, ven biển và những mùa khô hanh khi khan hiếm thức ăn giàu vitamin A và caroten.
- Những trẻ em không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc cai sữa sớm, con của những bà mẹ thiếu vitamin A dự trữ trong thời kỳ mang thai hoặc những đứa trẻ có cân nặng sơ sinh thấp.
- Những đứa trẻ < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng.
- Những đứa trẻ bị mắc bệnh nhiễm trùng như sởi, ỉa chảy, nhất là trẻ bị ỉa chảy kéo dài trên 14 ngày.
- Những đứa trẻ có chế độ nghèo thức ăn giầu viatmin A và caroten, trẻ không được ăn dầu mỡ…
Biểu hiện của thiếu vitamin A
Những biểu hiện sớm và đặc hiệu là dấu hiệu khô mắt gần như theo một trình tự:
- Quáng gà: đứa trẻ không nhìn được vào lúc có ánh sáng yếu (chập tối). Đây là dấu hiệu quan trọng nhưng cần được phát hiện sớm, trẻ sẽ trở lại bình thường khi dùng vitamin A liều điều trị trong 1 – 2 ngày.
- Vệt Bitot: là đám tế bào biểu mô tăng sừng hóa của kết mạc tạo thành mảng nổi lên thường có màu trắng sáng hoặc vàng nhạt. Vệt Bitot thường có hình ovan hoặc hình tam giác, ở vị trí kết mạc góc mũi hoặc thái dương và đáy bám theo rìa giác mạc, đỉnh quay về phía mũi hoặc thái dương. Vệt Bitot đôi khi không mất đi sau điều trị bằng vitamin A liều cao nhưng nó không ảnh hưởng tới thị lực.
- Khô kết mạc: kết mạc bình thường sáng, trắng bóng, luôn được phủ một lớp rất mỏng nước mắt. Khi kết mạc khô, có những mảng mất bóng, sù sì, không có nước mắt. Cũng có trường hợp kết mạc khô tạo thành những nếp nhăn. Dấu hiệu khô kết mạc là dấu hiệu khó phát hiện. Nếu phát hiện được điều trị bằng vitamin A liều cao sau 2 tuần sẽ hết.
- Khô giác mạc: bề mặt của giác mạc có những vảy hoặc chấm trắng như đám mây. Khi có dấu hiệu này giác mạc thường kèm theo những phản ứng chói sợ ánh sáng. Mức độ tiến triển nặng của triệu chứng này rất nhanh. Triệu chứng này có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng vitamin A liều cao trong 1 đến 2 tuần.
- Loét nhuyễn giác mạc: khi khô giác mạc không được điều trị sớm và đầy đủ sẽ tiến triển dẫn đến tổn thương biểu mô giác mạc, tạo lên những hõm nhỏ. Lúc này đứa trẻ rất chói, sợ ánh sáng, mắt luôn nhắm nghiền. Triệu chứng này có thể điều trị khỏi bàng vitamin A liều cao nhưng thường để lại sẹo giác mạc.
- Nhuyễn giác mạc là mức độ nặng của khô giác mạc hoặc loét giác mạc không được điều trị kịp thời. Giác mạc bị phủ một lớp trắng đục, toàn bộ giác mạc bị mềm nhũn. Có trường hợp giác mạc bị bục và phòi mống mắt.
- Sẹo giác mạc: sẹo giác mạc có màu trắng đục. Có thể là những chấm nhỏ li ti hoặc lớn hơn.