Thuốc dùng để trị liệu cho các bệnh rối loạn tâm thần được gọi chung là thuốc hướng tâm thần (psychotropic drug). Những thuốc này được mô tả theo áp dụng lâm sàng chính yếu của thuốc; VD: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc ổn định khí sắc, thuốc ngủ, thuốc làm tăng nhận thức, thuốc kích thích…
Có một khó khăn với cách tiếp cận này là có nhiều thuốc có nhiều chỉ định khác. VD: thuốc nhóm SSRI có cả tác dụng chống trầm cảm và giải lo âu, thuốc đối kháng serotonine – dopamine có tác dụng chống loạn thần và ổn định khí sắc.
Thuốc hướng tâm thần còn được sắp xếp theo cấu trúc hóa học (VD: thuốc 3 vòng), theo cơ chế (VD: ức chế MAO), theo lịch sử (VD: thuốc theo qui ước, thuốc thế hệ đầu tiên), tính lạ thường (VD: thuốc không điển hình), theo chỉ định (VD: thuốc chống trầm cảm). Khó khăn nhiều hơn nữa là có nhiều thuốc được dùng điều trị cho các bệnh lý thần kinh, và nội khoa cũng được dùng điều trị cho cả các rối loạn tâm thần.
Thêm vào đó, các thuật ngữ thuốc hướng thần cũng mù mờ. Các thuốc đầu tiên thường dùng điều trị tâm thần phân liệt đã được gọi là thuốc bình thản. Khi có những thuốc mới hơn dùng điều trị lo âu, lại phân biệt thành thuốc bình thản chính và phụ. Lúc ban đầu, thuốc chống trầm cảm là thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs) hoặc IMAOs.
Trong những năm 70, 80, những thuốc chống trầm cảm mới hơn xuất hiện thì được gọi là thuốc chống trầm cảm thế hệ thứ 2, thứ 3. Hiện nay, những thuốc cũ hơn điều trị loạn thần được gọi là thuốc an thần kinh (neuroleptics) qui ước, điển hình, truyền thống. Thuốc mới hơn gọi là thuốc an thần kinh không điển hình. Trong bài này, để hạn chế sự mù mờ nay, các thuốc được sắp xếp thep cơ chế tác động hoặc cấu trúc tương tự nhau để thống nhất, dể tham khảo và dễ hiểu.
Tác động dược lý
Cả yếu tố môi trường và di truyền đều ảnh hưởng đến đáp ứng có tính cá nhân, và tính dung nạp đối với thuốc hướng thần. Do đó, một thuốc có thể không chứng minh được tính hiệu quả trên nhiều bệnh nhân có bệnh lý trong việc cải thiện triệu chứng. Ở nhiều trường hợp, nhận ra những yếu tố tiên lượng về khả năng của thuốc trở nên quan trọng hơn, nhưng thường khó thực hiện được.
Ngay cả trong cùng một nhóm thuốc, các thuốc cũng khó phân biệt với thuốc khác do có những khác biệt tinh vi hơn, về mặt cấu trúc phân tử, kiểu tương tác với hệ thống chất dẫn truyền thần kinh, khác biệt về dược lực học, có hay không có chuyển hóa chất hoạt động, tính kết nối với protein. Những khác biệt này cùng với sinh hóa của từng bệnh nhân tạo nên một hình ảnh tương đối về hiệu quả thuốc, độ dung nạp, tính an toàn và tỷ lệ giữa nguy cơ – lợi ích đối với từng bệnh nhân. Tính đa biến này, mà nhiều yếu tố vẫn chưa hiểu rõ được, gây khó khăn cho việc tiên đoán hiệu quả thuốc. Tuy nhiên, hiểu biết về bản chất của từng loại thuốc làm tăng khả năng thành công trong điều trị.
Cơ chế tác động thuốc hướng tâm thần
Cơ chế tác động của các thuốc hướng tâm thần vẫn chưa được hiểu rõ. Cách giải thích chuẩn mực nhất là cách thức thuốc làm thay đổi độ tập trung của các thụ thể dopamine, serotonine, norepinephrine, histamine gamma-aminobutyric acid (GABA). Những thay đổi đó được cho là do kết quả của các chất đồng vận, đối vận tác động đến tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh, làm thuận lợi cho sự chế tiết hoặc ức chế men chuyển hóa. Ví dụ, một thuốc có thể là chất đồng vận, do đó kích thích hoạt động sinh học của thụ thể; hoặc một chất đối vận sẽ ức chế hoạt động sinh học.
Một số thuốc hướng tâm thần có đặc tính đồng vận từng phần vì chúng không có khả năng tác động toàn vẹn đến một thụ thể chuyên biệt nào đó. Một số thuốc hướng thần cũng có hiệu quả lâm sàng thông qua cơ chế khác chứ không thông qua tương tác với thụ thể. Ví dụ: lithium tác động bằng cách ức chế trực tiếp lên men inositol – 1 phosphatase. Một số hiệu quả kết nối chắc chắn với tác động của khe thần kinh (synaptic) chuyên biệt. Ví dụ: hầu hết các thuốc trị loạn thần có khả năng phong tỏa thụ thể dopamine type 2 (D2). Tương tự, các chất đồng vận benzodiazepine kết nối với phức hợp thụ thể giữa thụ thể benzodiazepine và thụ thể GABA.
Tác dụng phụ thuốc hướng tâm thần
Tác dụng phụ là nguy cơ không thể tránh khỏi khi điều trị bằng thuốc. Mặc dù không thể có kiến thức bao quát về tất cả những tác dụng phụ có thể có của thuốc, nhà lâm sàng khi kê toa nên biết rõ những tác dụng phụ thường gặp hơn, cũng như những hậu quả nguy hiểm. Không có một tài liệu nào, kể cả những thông tin về sản phẩm, có tất cả những tác dụng phụ nguy hiểm phải điều trị có thể có.
Việc cân nhắc những tác dụng phụ bao gồm khả năng chắc chắn có thể xuất hiện, ảnh hưởng của tác dụng phụ đến chất lượng cuộc sống, thời gian xuất hiện của thuốc, và nguyên nhân xuất hiện. Như vậy, phải biết rằng, không có thuốc nào chắc chắn làm cải thiện về mặt lâm sàng cho tất cả bệnh nhân; không có tác dụng phụ nào, lhông có vấn đề nào thường gặp xuất hiện trên tất cả bệnh nhân. Khi có bệnh lý y khoa nào cùng xuất hiện hoặc tiền sử có phản ứng trái ngược tương tự đặt bệnh nhân vào nguy cơ cao bị tác dụng phụ, việc làm hợp lý là phải xem xét lại chất/thuốc được kê toa không qui củ xem có liên quan đến tác dụng phụ không.
Các tác dụng phụ có thể do những tác động dược lý tương tự với tính trị liệu hoặc do những đặc tính không thường gặp. Ví dụ, tác dụng phụ thường gặp của TCAs là gây phong tỏa thụ thể muscarinic acetylcholine hoặc thụ thể H2. Nếu bệnh nhân nhạy cảm với những tác dụng này, những thuốc thay thế mà không gây ra tác dụng này có thể được chỉ định sử dụng. Nếu tác dụng phụ là biểu hiện của cơ chế tác động được tiên đoán của một thuốc, thì tác dụng phụ khi điều trị là điều không thể tránh khỏi.
Do đó, tính phong tỏa tái hấp thu serotonine của SSRIs có thể gây nôn, gây suy giảm tình dục. Tác dụng phong tỏa D2 của các thuốc hướng tâm thần điều trị loạn thần có thể gây tác dụng phụ ngoại tháp. Tác dụng đồng vận thụ thể benzodiazepine có thể gây thất điều, gây ngủ ngày. Trong những trường hợp này, các thuốc thêm vào thường phải giúp những thuốc điều trị đầu tiên được dung nạp tốt hơn.