Ropivacain là một amid có tác dụng gây tê tương tự như bupivacain nhưng ít độc hơn với tim (thử trên động vật). Tác dụng tê và giảm đau kéo dài phụ thuộc vào vị trí gây tê và không bị ảnh hưởng do thuốc gây co mạch như adrenalin.
Thuốc gốc Ropivacaine hydrochloride
Dạng bào chế – Hàm lượng thông dụng thuốc Ropivacain
ống tiêm: 10 ml và 20 ml nồng độ 0,2%, 0,25%, 0,5%, 0,75% và 1%;
4 ml nồng độ 7,5%.
Chỉ định
Gây tê ngoài màng cứng: để phẫu thuật (kể cả mổ đẻ), để giảm đau cấp (chuyển dạ đẻ, đau sau phẫu thuật); phong bế đám rối thần kinh cánh tay.
Chống chỉ định: Dị ứng với thuốc; điều trị chống đông máu; tim có rối loạn dẫn truyền; tiền sử sốt cao ác tính; vùng gây tê viêm nhiễm; động kinh; gây tê tuỷ sống với người bị mất nước hay giảm thể tích tuần hoàn.
Thận trọng trong lúc dùng
Phải có sẵn phương tiện hồi sức.
Khi gây tê phải có liều thử trước, hút thử trước (tránh tiêm vào mạch máu) và tiêm chậm. Phải thận trọng khi dùng cho người suy gan nặng vì thuốc chuyển hoá ở gan. Không cần điều chỉnh liều ở người suy thận nặng.
Fluvoxamin (thuốc chống trầm cảm) làm giảm chuyển hoá ropivacain, cần tránh dùng kéo dài ropivacain. Tương tác thuốc (Phụ lục 1).
Liều lượng và cách dùng thuốc Ropivacain
Cách dùng
Điều chỉnh liều tuỳ theo tình trạng thể lực của người bệnh (người cao tuổi, suy nhược, bệnh nặng, trẻ em…) và tuỳ theo tính chất của thủ thuật, kinh nghiệm của thầy thuốc. Nên dùng liều thấp nhất mà có hiệu quả.
Trước và trong khi tiêm tê cần phải hút cẩn thận để tránh tiêm nhầm vào mạch máu. Nếu phải tiêm tê liều cao nên làm 1 liều test 3 – 5ml lidocain có adrenalin. Nếu chẳng may vào mạch máu hoặc vào khoang dưới màng nhện, sẽ thấy mạch (tần số tim) nhanh hoặc bị tê tuỷ sống.
Gây tê để phẫu thuật:
Gây tê ngoài màng cứng vùng lưng: 15 – 20 ml dung dịch 10mg/ml hoặc 15 – 20 ml dung dịch 7,5mg/ml. Mổ đẻ: 15 – 20 ml dung dịch 7,5mg/ml.
Gây tê ngoài màng cứng vùng ngực: (để phong bế sau phẫu thuật) 5 – 15 ml dung dịch 7,5mg/ml.
Phong bế dây thần kinh lớn (phong bế đám rối cánh tay): 30 – 40 ml dung dịch 7,5mg/ml.
Gây tê một vùng (tiêm dưới da): tối đa 30 ml dung dịch 7,5mg/ml.
Gây tê để giảm đau:
Gây tê ngoài màng cứng vùng lưng: 10 – 20 ml dung dịch 2mg/ml tiếp theo 10 – 15 ml dung dịch 2mg/ml, cách nhau ít nhất 30 phút hoặc 6 -10 ml/giờ dung dịch 2mg/ml tiêm truyền liên tục ngoài màng cứng trong đau do chuyển dạ đẻ hoặc 6 – 14 ml/giờ dung dịch 2mg/ml tiêm truyền liên tục ngoài màng cứng trong đau sau phẫu thuật.
Gây tê ngoài màng cứng vùng ngực: 6 – 14 ml/giờ dung dịch 2mg/ml tiêm truyền liên tục.
Gây tê một vùng (tiêm dưới da): tối đa 100 ml dung dịch 2mg/ml.
Trẻ em trên 1 tuổi (cân nặng tối đa 25 kg): Gây tê ngoài màng cứng vùng khoang cùng (chỉ dùng cho đau trước và sau phẫu thuật) 2mg/kg dung dịch 2mg/ml.
Tác dụng không mong muốn: Dị ứng, nôn, buồn nôn; liều mạnh: giảm huyết áp, ngừng tim, rối loạn nhịp, có thể co giật và hôn mê.
Quá liều và cách xử trí
Giảm huyết áp; ngừng tim; ngừng thở sau khi có co giật, hôn mê.
Xử trí: Hỗ trợ hô hấp, truyền dịch, thiopental tiêm tĩnh mạch 1- 3mg/kg hoặc diazepam 0,1mg/kg tiêm tĩnh mạch tuy tác dụng chậm hơn. Có thể phải dùng thuốc vận mạch (5 đến 10mg ephedrin tiêm tĩnh mạch, nếu cần có thể tiêm lại sau 2 đến 3 phút).
Hiện chúng tôi chưa cập nhật được thông tin giá bán thuốc Ropivacain, Nếu bạn đã từng mua và sử dụng xin hãy để lại thông tin trong phần “Bình luận” bên dưới giúp mọi người có thêm tham khảo.